Heo rừng nói riêng và tất cả các loài chim thú hoang đã nói chung, khi mới bắt về thuần dưỡng heo rừng nào thấy bóng dáng người đến gần cũng hết sức khiếp sợ trông rất tội nghiệp. Nhiều con vật khiếp sợ đến nỗi lo tìm chỗ ẩn trốn, hoặc hoảng hốt cố tìm đủ mọi cách để thoát thân, đến nỗi không dám chường mặt ra ăn uống phải kiệt sức dẫn mà chết!
Trong đời sống hoang dã, con heo rừng cũng nhát gan như thỏ đế, mỗi khi gặp biến chúng cũng chỉ biết có nhanh chân trốn chạy mà thôi. Vì chung quanh chúng, gần như mọi lúc mọi nơi đều có nhiều kẻ thù vây hãm để giết hại, trong đó có cả con người. Thế nhưng, chúng cũng có đời sống tự do của chúng, không hề bị một thể lực nào ràng buộc. Nếu bị dồn vào đường cùng, heo rừng biết liều lĩnh chống trả lại chứ không dễ gì chịu làm món mỗi ngon cho kẻ ỷ mạnh đến giết hại mình.
Nay bị con người bắt nhốt (nuôi) trong môi trường sống chật hẹp chừng mươi thước vuông, chung quanh có vách chuồng bao vây kín đáo, bảo sao chúng không hoảng sợ đến cùng cực? Nhất là ngày đêm còn phải chạm mặt với con người là chủ nuôi.
Vì vậy, đa số heo rừng khi mới bắt về nuôi dưỡng, gần như con nào cũng hoảng hốt tìm cách trốn chạy khỏi nơi nuôi chúng. Sự hoảng sợ của chúng phải nói là đến mức tột cùng, mặc dù chủ nuôi của chúng lúc nào cũng tỏ ra thân thiện qua cử chỉ dịu dàng và lời nói hết sức êm ái. Nhiều khi do quá sợ, một số con như nổi cơn điên, sấn lại chống trả hoặc dùng hết sức bình sinh để phá chuồng mong đào thoát ra ngoài.
Với những con heo thuộc loại cứng đầu cứng cổ như vậy, muốn thuần dưỡng chúng thuần thục như heo nhà không phải là việc dễ dàng gì, nhưng cũng không phải là không có cách. Vấn đề là phải mất nhiều thời gian và phải chịu khó kiên nhẫn.
Muốn con thú hoang bớt dần “chất rừng hoang đại” ở trong nó, ta phải huấn luyện chúng từng bước đi vào nề nếp bằng tất cả sự dịu dàng trong cử chỉ và lời nói chứ không thể sử dụng roi vọt và nạt nộ chửi bới.
Trước hết phải giúp chúng bình tĩnh tinh thần trở lại để giảm bớt sự sợ sệt và dần thân thiện với chủ nuôi. Từ đó chúng mới chịu ăn uống và cảm thấy được an toàn trong môi trường sống mới.
Việc thuần dưỡng chỉ dễ dàng và mau chống đối với loại heo rừng còn nhỏ tháng tuổi, nhưng khó khăn gấp bội đối với heo đã trưởng thành, được năm bảy tháng tuổi trở lên.
Phương pháp thuần dưỡng heo rừng con: Heo rừng con là loại heo mới được vài ba tháng tuổi trở lại, mới biết ăn rành. Loại heo này nhiều con bản tính cũng hung dữ cũng biết sợ người nhưng dù sao cũng còn khờ đại, ngây ngô.
Heo ở lứa tuổi này rất dễ thuần dưỡng, nếu ta tuyệt đối tránh gây thêm sợ hãi cho chúng, chúng sẽ dạn dĩ dần.
Heo rừng con mới bắt từ rừng về có thể nuôi riêng hay nuôi nhiều con chung một ngăn chuồng. Trong chuồng có sẵn thức ăn và nước uống đầy đủ để khi đói khát chúng tự tìm đến ăn uống cho khỏi chết đói.
Trong việc thuần dưỡng thú rừng nói chung, thuần dưỡng heo rừng nói riêng, trong những ngày đầu mà con thú chịu ăn uống dù chỉ chút ít “cầm hơi” loại thức ăn ta cung cấp cho, thì đó là điều đáng mừng, coi như ta đã gặp may, đã nắm chắc được phần lớn thành công trong giai đoạn đầu thuần dưỡng rồi.
Vì rằng một khi heo rừng đã chịu ăn uống thức ăn với mùi vị khác lạ đối với nó thì điều đó có nghĩa nó sẽ không bị chết vì đói khát, nó đã sẵn sàng chấp nhận sống trong môi trường sống mới này rồi! Và như vậy là ta đã có hy vọng thuần dưỡng nó được.
Có thể nói, nỗi lo lăng nhất của chúng ta khi gặp những con thú hoang mới bắt về nuôi mà chúng không màng đến việc ăn uống trong nhiều ngày liền, vì sợ chúng sẽ bị kiệt sức dần mà lăn đùng ra chết. Còn gặp được con heo rừng chịu ăn, có nghĩa thể nào cũng sống được thì ai cũng mừng.
Gặp những con heo chịu ăn, ta nên dùng thức ăn mà chúng thích để thuần dưỡng chúng.
Hằng ngày, tới bữa ăn ta chưa đến cho ăn vội, mà nên chờ thêm một thời gian cho chúng thiệt đói mới bắt đầu cho ăn. Cách cho con heo mới này ăn là cầm sẵn bó rau cỏ xanh tươi trên tay, cố nhử cho nó tiến lại gần mình rồi mới nhẹ nhàng rải rau xuống sàn cho ăn. Tập cho ăn theo cách đó heo sẽ mau dạn người. Mỗi lần ta xuất hiện trước cửa chuồng là mỗi lần trên tay đều có “quả”, khi thì củ khoai lang, khoai mì, khi thì vài ba trái chuối chín.
Ngày đầu mới nuôi, chỉ cần có một con trong đàn dạn dĩ đến gần người mà ăn rau có như vậy, khiến các con còn lại sẽ tự tin hơn mà bớt nhát dần.
Tập luyện theo cách này, nhanh là vài ba tuần, chậm cũng chỉ đôi ba tháng, bầy heo rừng con sẽ không còn sợ sệt đến nỗi lẩn tránh chủ nuôi như trước đây nữa, trái lại chúng còn quấn quít cạnh bên tỏ ý thân thiện như heo nhà.
Tất nhiên, còn tuỳ vào từng trường hợp mà ta có cách thuần dưỡng khác nhau, giúp con vật quên bẵng đi bản tính hoang dã của chúng để trở nên hiền lành, biết sống thân thiện với chủ nuôi hơn.
Lời khuyên của chúng tôi là trong giai đoạn cần phải có heo đực từng làm giống để phối với heo nái cỏ nội địa, ta nên cố gắng tìm cho được heo nhỏ tháng tuổi mà nuôi, như vậy khỏi tốn công thuần dưỡng lâu.
Phương pháp thuần dưỡng heo rừng đực lớn tháng tuổi: Heo rừng lớn tháng tuổi được đề cập là loại heo lứa. Heo lứa là heo chưa gọi là già, nhưng cũng không thể gọi là nhỏ nữa. Đây là heo rừng ở vào lứa tuổi trưởng thành.
Heo rừng (đực) trưởng thành, đời sống của nó đã thích nghi với môi trường sống hoang dã rộng lớn bên ngoài thì tính nết nó chẳng khác gì con ngựa chứng, bất trị.
Con heo này bắt về thuần dưỡng để làm nọc giống trong ngăn chuồng chật hẹp, chắc chắn mười con đều bị sốc cả mười. Nhất là mỗi khi chúng thấy bóng dáng con người xuất hiện cận bên ngăn chuồng, nó lại càng khiếp sợ hơn. Chính vì vậy, sự tiếp cận quá sớm của ta đối với con vật thuộc loại “bổi” này, dù bất cứ lý do chính dáng gì cũng tạo sự bất lợi cho việc thuần dưỡng nó, vì chỉ gây cho nó sự sợ hãi thêm, và thù ghét ta thêm.
Nhiều con quá sợ lại trở nên bẳn tính, có khi hung dữ lạ thường, lồng lộn như nổi cơn điên, liên tục húc phá vào vách chuồng, cửa chuồng để mong được thoát thân. Trong trường hợp đó nếu thấy người lại gần nó dám chồm tới tấn công ngay, không chút e dè sợ hãi.
Thế nhưng, khi thuần dưỡng loại heo to này, điều mà bất cứ ai cũng tỏ ra lo lắng là không biết chúng có chịu ăn uống để sống hay không. Nếu do quá nhát mà không chịu ăn uống trong mấy ngày liền thì chỉ độ một tuần là phải đem ra cân thịt! Vì con heo đã bỏ ăn thì rất mau sụt cân, xuống sức, thử hỏi người nuôi nào lại không lo?
Cách thuần dưỡng loại heo lứa hoang dã này cần phải tiến hành từng bước như sau:
- Chuồng nuôi chúng phải làm ở nơi thật sự yên tĩnh nơi vắng người qua lại, xa khu vực chợ búa đông đúc, trường học ồn ào, lại xa đường quốc lộ để tránh tiếng còi xe, tiếng động cơ máy móc đinh tai nhức óc… Những tiếng động đó sẽ làm cho con heo quen sống ở rừng khiếp sợ thêm mà thôi.
- Trước khi thả heo mới này vào chuồng, ta nên cụ bị sẵn đầy đủ các thứ thức ăn nước uống để nó nhờ đó mà ăn uống trong vài ngày đầu còn lạ nước lạ cái. Những ngày đầu này ta phải lánh mặt để con vật còn lạ chuồng đó được yên tĩnh nghỉ ngơi cho mau hồi sức và bớt được phần nào sợ hãi.
- Sang ngày thứ ba tính từ ngày bắt heo về nuôi ta mới khẽ khàng đến chuồng trong chốc lát để xem động tĩnh ra sao. Tốt nhất là nên cẩn thận đánh tiếng từ xa như cốt tiếng nói nhỏ nhẹ một câu bâng quơ nào đó, hay ho lên một vài tiếng, ngầm báo cho con thú hoang trong chuồng biết trước sẽ có người sắp đến để nó có đủ thời gian mà đối phó. Nếu con vật vừa nhác thấy bóng người đi đến là lo tìm đường lủi trốn thì cách tốt nhất là ta nên rút lui ngay. Nhưng, khi quay người ra đi cũng cố tranh thủ giây phút ngắn ngủi đó để quan sát sơ qua xem số thức ăn nước uống để sẵn trong chuồng trước đây mấy ngày còn hết ra sao. Nếu thức ăn còn nguyên vẹn thì đó là chuyện đáng buồn, cần phải lánh mặt thêm vài ngày nữa. Ngược lại, nếu thức ăn chỉ còn số ít, điều đó có nghĩa con heo đã chịu ăn chút ít. Còn nếu thức ăn đã hết sạch, thì tuy biết heo còn nhát ta cũng mạnh dạn cung cấp thức ăn tiếp cho nó ngay. Khi biết con heo rừng mới nuôi mà chịu ăn uống thì biết nó không thể chết, điều đó đủ giúp ta mừng rồi. Còn việc dạn người, thân thiện với người tập luyện cho nó không quá khó.
- Những ngày kế tiếp, dù có biết chắc con heo đực rừng đó đã hơi dạn người, ta vẫn chưa nên vội vã tìm cách tiếp cận nó, dù vẫn là với cử chỉ dịu dàng, thân thiện. Chỉ nên lợi dụng những dịp đến chuồng cho heo ăn uống, ta cố tình nấn ná dừng chân lại thêm năm mười phút để nhìn bâng quơ đâu đó (không nên hướng mắt nhìn thẳng vào mắt con vật đang lấm lét nhìn trộm mình) sau đó ra đi một cách êm thắm.
Hằng ngày ta cũng nên bày ra một công việc gì đó để làm, như ngồi đọc sách báo chẳng hạn, nhằm tạo cơ hội cho con heo rừng đứng trong chuồng nhìn thấy ta, cho quen mắt, để từ đó mới bớt sợ mà thân thiện dần.
Tóm lại, trong suốt thời gian thuần dưỡng động vật rừng nói chung và heo rừng nói riêng, tuyệt đối ta không nên đối xử thô bạo với chúng bằng cách la hét nạt nộ và nhất là cầm roi vọt trên tay, dù chỉ để răn đe, hù dọa. Đôi khi chỉ với những lời nói êm dịu, chỉ những cử chi thân thiện của ta sẽ cảm hoá được con vật dễ dàng hơn, dù đó là con heo rừng hung tợn.