Trong quá trình chăn nuôi, heo rừng mang thai và đẻ con là giai đoạn quan trọng. Khi ấy, cần phải chú ý tới chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng heo rừng đúng quy trình khoa học để đảm bảo năng suất. Hãy cùng theo dõi bài viết sau, chúng tôi sẽ chia sẻ những kiến thức và kỹ thuật chăm sóc heo rừng đẻ chi tiết, nâng cao hiệu quả kinh tế!
Mục lục
Chế độ chăm sóc heo rừng đẻ trong 2 tháng mang thai đầu
Trong giai đoạn mang thai đầu, cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của heo rừng. Với thức ăn tinh là loại ít chất xơ, bao gồm cám, gạo, đậu, ngô, sắn… chứa dinh dưỡng cao; nên cho heo ăn khoảng 1,2kg/ngày. Về thức ăn thô xanh như các loại quả xanh, rau cải, rau muống, bẹ chuối… có thể cho ăn thoải mái trong ngày.
Khẩu phần ăn cho heo rừng mang thai lứa đầu cũng cần phải phân chia phù hợp; một ngày gồm 3 bữa ăn tinh và 2 bữa ăn thô xanh:
- Sáng: cho heo ăn 0,3kg cám trộn với 0,2kg cám công nghiệp lúc 7h – 8h sáng; 1 bữa ăn thô xanh lúc 10h.
- Trưa: cho heo ăn 0,25kg cám trộn với 0,1kg cám công nghiệp lúc 12h – 13h trưa.
- Chiều: cho heo ăn 1 bữa thô xanh lúc 15h – 16h, bữa tối cho ăn 0,25kg cám trộn với 0,1kg cám công nghiệp lúc 17h – 18h.
Chế độ chăm sóc heo rừng đẻ trong những tháng mang thai sau
Từ tháng thứ 3 trở đi, các hộ chăn nuôi cần tăng mức ăn cho heo rừng đẻ. Mức ăn tinh nâng lên 1,3kg/ngày, thoải mái ăn các loại rau muống, cỏ voi, rau khoai lang… Vẫn cho heo rừng ăn đầy đủ 3 bữa tinh và 2 bữa thô xanh trong một ngày:
- Sáng: 0,3kg cám trộn và 0,2 kg cám công nghiệp lúc 7h – 8h, bữa thô xanh lúc 10h.
- Trưa: cho heo ăn 0,3kg cám trộn và 0,1kg cám công nghiệp lúc 12h – 13h.
- Chiều: bữa thô xanh lúc 15h – 16h, bữa tối gồm 0,3kg cám trộn và 0,1kg cám công nghiệp.
Các hộ chăn nuôi có thể thay thế bột ngô bằng bột sắn, cám mì bằng cám gạo. Chú ý giảm 50% rau xanh và 50% thức ăn tinh trước khi heo đẻ 1 – 2 ngày. Trong giai đoạn mang thai, đảm bảo luôn cung cấp thức ăn mới cho heo; tránh ăn các loại rau dễ sảy thai như đu đủ, rau ngót, bã bia, cây chuối.
Hướng dẫn xây dựng chuồng cho heo rừng đẻ
Sau khoảng 112 – 117 ngày mang thai, heo rừng sẽ xuất hiện những đặc điểm chuẩn bị đẻ. Khi ấy, vú của heo rừng đẻ thường căng ra hai bên, hay đi vệ sinh, thân nhiệt tăng. Heo có biểu hiện là đi lại nhiều, gặm đất, phá ủi nền chuồng, tha rơm về tạo ổ đẻ.
Trước 5 – 7 ngày heo đẻ, các hộ cần quét dọn, sát trùng toàn bộ và để trống chuồng. Lót cỏ khô, rơm khô sạch ở nền chuồng, heo mẹ sẽ tự tạo ổ đẻ; heo con sinh ra khi nằm bú sẽ không bị lạnh bụng, trầy xước cổ chân trước. Cỏ khô, rơm lót ổ phải khô, mềm, không vụn nát và sạch sẽ; nên trang bị thêm trấu và bóng đèn để sưởi ấm cho heo.
Nên sử dụng mùn cưa để dọn nước tiểu, phân trên nền chuồng, luôn giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ. Các hộ có thể sử dụng bột làm khô, làm ấm, bột lăn để giữ khô nền chuồng. Đặc biệt lưu ý, trong 1 tháng đầu khi heo đẻ, tuyệt đối không được rửa chuồng. Chuẩn bị lá bưởi, lá sả, rơm, bồ kết để xông vào chuồng trong lúc heo đẻ, hạn chế không để khói xông vào nhiều.
Chế độ chăm sóc heo rừng trong quá trình nuôi con
Bình thường, heo rừng sẽ đẻ hết số con trong 3 – 4 giờ, 15 – 20 phút để 1 heo con. Dấu hiệu của việc sinh đẻ hoàn tất là khi đuôi heo mẹ thõng xuống, nằm yên cho con bú. Heo rừng đẻ xong thường mất nhiều máu, do đó nên cho chúng uống nước muối ấm.
Trong 3 ngày đầu sau khi đẻ, các hộ nên nấu cháo để đảm bảo sức khỏe cho heo mẹ. Cháo nấu cho heo gồm một nửa là gạo, nửa còn lại là bột ngô và đu đủ xanh. Mỗi ngày cho heo ăn đủ 3 bữa, ngày đầu mỗi bữa 0,3kg cháo; ngày thứ hai tăng lên 0,5kg và ngày thứ ba là 0,8kg. Lưu ý, trong ngày đầu mới đẻ, nên cho heo mẹ ăn lá rau ngót với nước sạch.
Đến ngày thứ tư, các hộ cho heo ăn với khẩu phần như lúc trước khi đẻ. Mức ăn bao gồm 0,9kg cám trộn/ngày, 0,4kg cám công nghiệp/ngày, 2 – 3kg rau xanh/ngày:
- Sáng: 0,3kg cám trộn với 0,2kg cám công nghiệp và 1,5kg rau xanh lúc 10h.
- Trưa: 0,3kg cám trộn với 0,1kg cám công nghiệp và 1,5kg rau xanh lúc 16h.
- Chiều: cho ăn lúc 17h30 với thức ăn tinh gồm 0,3kg cám trộn và 0,1kg cám công nghiệp.
Các hộ có thể thay đổi khẩu phần ăn cho heo tùy theo thể trạng và số lượng heo con. Tiêu chuẩn năng lượng cho heo rừng nuôi con trong ngày là 3000Kcal/kg, 15% Protein thô; 0,7% Canxi, 0,5% Photpho, 1% Lysin và 0,5% Methionin.
Xem thêm bài viết có liên quan: Phối giống heo rừng đem lại hiệu quả phát triển đàn
Trên đây là những chia sẻ, hướng dẫn chăm sóc heo rừng đẻ đúng quy trình, khoa học. Hy vọng rằng bài viết trên sẽ giúp các hộ chăn nuôi có thêm kiến thức để thực hiện công tác chăn nuôi heo rừng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao!