Tập tính của heo rừng thuần chủng và heo nhà có nhiều điểm khác biệt là chuyện dễ hiểu, vì một đằng là heo hoang dã, một đằng là heo đã được thuần hóa lâu đời thành gia súc. Nhưng, tập tính giữa giống heo rừng và heo rừng lai cũng không hẳn là hoàn toàn giống nhau.
Chúng ta cần phải nắm vững điều này để khi nuôi chúng gặt hái được thành công mỹ mãn hơn.
A. Tập tính heo rừng:
Heo rừng là giống heo hoang dã sống cách biệt với loài người, mặc dù vẫn có thói quen lén đến kiếm ăn ở khu vực trồng tỉa hoa màu của đồng bào sống cạnh rừng núi.
Heo rừng là thuỷ tổ của heo nhà nên hình dáng heo rừng cũng từa tựa như heo nhà. Chỉ có điều khác biệt là thân mình con heo rừng thon dài, lưng thẳng, mõm dài và nhọn, tai nhỏ, mắt màu nâu lợt và ánh mắt hoang dại, lông màu đen hoặc nâu sậm, bốn chân nhỏ nhưng khoẻ.
Đặc biệt, con heo rừng có bờm lông ở gáy mọc dài tận sống lưng. Chùm lông bờm vừa dài vừa dày, có ba chấu mọc thành hình tam giác rất đặc trưng.
Môi trường sống của heo rừng: Trong đời sống hoang dã, con heo rừng ít sống trong rừng sâu núi thẳm mà tập trung sống ở các khu rừng chồi, trảng cỏ nơi gần ao hồ, đầm lầy, sông suối và nhất là các khu vục trồng tỉa hoa màu cây trái của đồng bào dân tộc ít người để đêm đêm tìm đến nương rẫy đào bới khoai củ mà ăn.
Heo rừng được coi là kẻ thù của nhà nông, nên trước đây loài vậy hoang dã này được liệt vào loài thú được phép săn bắn (chung với các loài hươu nai, hoẵng, nhím, thỏ rừng, cheo …) Chúng vừa sinh sản nhanh, khi đi ăn lại kéo thành đàn đông đảo nên vườn tược nương rẫy nào mà bị đàn heo rừng kéo đến giậm nát, cắn phá, đào bới chỉ đầu hôm đến sáng là đã tan hoang, mất sạch.
Như vậy, cũng như loài nhím, hễ nơi nào có đầy đủ thức ăn như rau cỏ, củ quả giúp no đủ được quanh năm, chính là vùng sinh sống của heo rừng.
Bản tính hung dữ: Bình thường con heo rừng rất nhát, đang ăn ngoài bãi mà hễ nghe có tiếng động lạ, khả nghi là tất cả bầy đàn đông đảo hàng chục con đều báo động cho nhau rồi mạnh con nào con nấy cắm đầu chạy thục mạng, chớp mắt đã mất hút vào các lùm cây trảng cỏ rậm rạp ở trong rừng. Thế nhưng, khi bị dồn vào đường cùng, đừng nói chỉ heo già mà ngay heo tơ cũng dám quay đầu lại tấn công kẻ thù của chúng, dù đó là con người, một giống loài mà bình thường chỉ thấy bóng dáng từ xa chúng đã hoảng hốt trốn chạy.
Với heo độc chiếc là heo lẻ bầy đi ăn riêng rẽ một mình thường là heo đực già, thân mình nặng đến tạ rưỡi hai tạ, có cặp nanh to khỏe, có bộ da dày vì lăn chai, thì dù trong tay có rựa bén, dao rừng cũng không ai cả gan đám đứng lại mà đương cự với chúng! Giống heo này rất dữ lại mạnh sức, cọp beo gặp nó còn phải tránh xa, vì vậy đi rừng gặp heo độc chiếc thì nên khôn ngoan tìm đường tránh né cho nhanh mới kịp.
Nên cẩn thận với những con heo, nhất là heo đực, mới bắt từ rừng về nuôi làm giống. Do chưa được thuần dưỡng nên chúng có thể nổi cơn tấn công ta bất thần.
Thính tai, thính mũi: Heo rừng là thứ mồi ngon của các loài đã thú ăn thịt lớn con như cọp, beo, trăn và cả con người. Do lúc nào giống vật tội nghiệp này cũng bị không biết bao nhiêu kẻ thù vây quanh rình rập săn đuổi để giết hại nên không những chỉ ở ngoài bãi ăn mà cả trong những lúc rút vào rừng sâu để ngủ nghỉ, heo rừng lúc nào cũng cảnh giác cao độ.
May mà trời phú cho con heo rừng có tài thính tai, thính mũi nên mới có nhiều cơ hội để thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.
Đang cắm cúi đào bới trong nương rẫy để moi tìm củ rế mà ăn, nếu chợt nghe có tiếng động lạ, dù rất khẽ xảy ra cách đó một vài trăm mét là chúng đã phát hiện được ngay. Vì vậy thợ săn heo rừng lâu năm đã có kinh nghiệm phải đi dưới chiều gió, như vậy mới có cơ hội mon men đến gần con mồi được. Nếu ta đi ngược chiều gió thể nào cũng bị chúng đánh hơi biết được rồi trốn chạy ngay.
Chính nhờ có đôi tai và cái mũi quá thính như vậy nên cọp beo muốn ăn thịt được chúng cũng khó, mà con người muốn săn bắt được cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Nhiều người lấy làm lạ khi thấy heo rừng mới bắt về nuôi làm giống gần như mười con như một, không con nào chịu ăn thức ăn mà chúng ta cung cấp cho nó. Cũng là rau cỏ xanh tươi, cũng khoai lang, khoai mì vốn là thức ăn khoái khẩu xưa nay của chúng, thế nhưng, chỉ vì thính mũi phát giác ra được có hơi tay của con người trong đó nên dù đói chúng cũng cảnh giác mà sợ hãi tránh xa, có con được dụ dỗ cách nào cũng không chịu ăn uống, lâu ngày kiệt sức dần mà chết.
Điều này chúng ta cũng thường gặp ở các loài chim thú hoang dã khác, chúng cũng có biệt tài phát giác được hơi người lần trong thức ăn dành cho chúng. Có con chịu ăn sau vài ba ngày nhịn đói, nhưng cũng có con thà chịu chết chứ không chịu ăn uống!
Thích sống theo bầy đàn: Heo rừng thích sống thành bầy đàn đông đảo, trong đó có đủ con già con non. Đến giờ đi ăn, chúng kéo cả đàn đông đảo ra bãi ăn và hết buổi ăn lại rút về ngủ nghỉ ở nơi thanh vắng mà chúng cảm thấy an toàn trong rừng. Người ta biết được điều này khi phát giác được những dấu chân lớn nhỏ của bầy đàn chúng chi chít in trên đường mòn trong rừng mỗi khi chúng đi, về.
Giống đa thê: Ngoài mùa sinh sản, những heo đực thích sống riêng rẽ, và chỉ trong mùa sinh sản nó mới sống chung với cả đàn heo nái. Và trong mùa này, cả đàn heo đi kiếm ăn mới đông.
Khi bắt về nuôi tại chuồng, ta có thể nuôi chung cả đực cái để chúng mau quen dần với môi trường sống mới mà dạn dĩ nhanh.
Đi ăn về đêm: Thói quen của heo rừng là mỗi ngày bắt đầu rủ nhau đi ăn từ lúc trời vừa chạng vạng tối và đến lúc trời hừng sáng mới trở về nơi ở của chúng. Như vậy, có nghĩa chúng đi ăn suốt đêm, và ban đêm mới là bữa ăn chính. Nếu trọn đêm ăn uống chưa đủ no thì sáng về chúng còn tha thẩn dừng lại một vài nơi để ăn thêm cho thật no nê.
Thợ săn heo rừng nào có kinh nghiệm cũng đều thuộc nằm lòng tập tính ăn uống này của chúng nên “lo” đón chúng vào hai cử sáng và chiều hôm này, sau khi điều nghiên kỹ mọi “đường đi lối về” hằng ngày của chúng.
Nết xấu trong ăn uống: Không phải chỉ có heo nhà khi ăn uống mới ngổm ngoàm, ngốn ngấu như sợ bị con khác đến giành ăn, mà heo rừng cũng có cách ăn như vậy. Đến bãi ăn hễ thấy con nào đào bới được bụi khoai hay luống dậu nào là các con gần đó liền kéo đến tranh nhau ăn rồi gây gổ với nhau ỏm tỏi, đêm hôm thanh vắng đứng xa cách đó hàng trăm mét vẫn còn nghe thấy. Chính lúc tranh nhau ăn này mới là lúc chúng mất cảnh giác nhất, vì thế mới bi hao hụt nhiều.
Sinh đẻ khoẻ: Cũng như heo nhà, mỗi năm heo rừng cũng đề được hai lứa con, lứa ít được vài ba con, còn lứa nhiều khoảng bảy tám con, có khi hơn. Chính vì vậy chúng mới sinh sôi nảy nở nhiều, khu rừng lớn nhỏ nào khắp nước ta cũng đều có loài này sinh sống.
Đến ngày đẻ con, heo mẹ thường tách ra khỏi đàn để tìm một khu lùm bụi kín đáo cách xa đó để đẻ con. Mẹ con sống chung với nhau tại đó trong đôi ba ngày, chờ bầy con đủ cứng cáp, đi đứng vững vàng, chúng mới kéo ra nhập bầy. Do suốt thời gian thai nghén heo mẹ được vận động nhiều nên con chúng thường khỏe mạnh, có sức đề kháng cao.
Đồng bào dân tộc ít người nuôi heo rừng lai thả rông cũng thường gặp trường hợp này. Lúc con heo nái bụng to sắp đến ngày sinh đột nhiên chiều tối không thấy về chuồng. Và, vài ba ngày sau đó họ mới thấy nó dẫn cả đàn con mũm mĩm trở về. Vì vậy, mỗi khi gặp trường hợp thất lạc con nái chửa gần đến ngày sinh, họ thường mừng chứ không hề lộ vẻ lo lắng. Và tất nhiên không ai cất công tìm kiếm.
Có tài bơi lội: Heo rừng có tài bẩm sinh biết bơi lội qua sông qua suối một cách nhanh nhẹn, nhiều khi không phải để tắm táp mà chúng cần bơi qua bờ đất bên kia sông suối để kiếm ăn, chừng no nê lại vượt sông suối trở về.
Thích đào bới: Khi đi ăn, heo rừng không những chỉ ăn rau có mọc trên mặt đất mà thường dùng mõm đào bới dưới mặt đất sâu để mong tìm các thứ củ quả như củ đậu, củ khoai và rễ cây non để ăn. Chúng cũng thường men theo bờ sông, suối để sục sạo đào bới dưới đất cát để tìm thức ăn có nguồn gốc động vật như cá tôm, sò ốc, trùn dế …
Thích dầm mình trong đầm lầy: Vào những ngày oi bức, nóng nực, con heo rừng thích ngâm mình hàng giờ trong các ao vũng sình lầy, hoặc tắm táp ở sông, suối trong rừng. Đây là cách heo tự điều hoà thân nhiệt của nó, vì như ta đã biết da heo không có tuyến mồ hôi nên nó chịu nóng rất dở. Mặt khác, chúng ngâm mình trong bùn lẩy như vậy cũng nhằm mục đích điều trị chứng ghẻ lở, ngứa ngáy do các loài ký sinh trùng bám vào da để hút máu như ve, vắt, bọ chét, và cả ruồi muỗi nữa.
Hết dầm mình trong sình, con heo rừng lại tìm đến các gốc cây to trong rừng để cạ mình vào cho đã ngứa. Nếu gặp cây có nhựa, nhựa cây sẽ dính vào da mỗi ngày một ít. lớp này chồng chất lên lớp kia nên da heo trở nên dày cui, gọi là heo lăn chai.
B. Tập tính heo rừng lai:
Xét về hình dáng bên ngoài giữa heo rừng thuần chủng và heo laì cũng không có gì khác biệt với nhau, kể cả bờm lông dài và dày đặc trưng ở trên gáy cổ (lông cũng có ba chấu). Nhưng, nếu xét về sự thuần tính thì nuôi heo rừng lai, dù chỉ mới lai đời F1 cũng thuần hơn, hiền hơn heo rừng thuần chủng.
- Heo rừng lai tính hiền, tuy còn hơi nhát người, sợ người nhưng không hung dữ. Chỉ cần một tuần lễ tiếp xúc (qua việc lui tới cho ăn uống) chúng đã bắt đầu tỏ sự tin cậy và thân thiện với chủ nuôi.
- Dễ thích nghi với việc nuôi trong ngăn chuồng chật hẹp như heo nhà, không cắn phá chuồng để mong đào thoát ra ngoài. Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy nếu có sẵn mặt bằng rộng rãi để nuôi thả trong vòng rào vẫn thích hợp với chúng hơn. Vì heo rừng lai cũng thích vận động cả ngày như heo rừng.
- Heo rừng lai cũng thích ủi phá, cọ xát mình vào vách chuồng (nếu nuôi nhốt), vào gốc cây (nếu nuôi thả) và cũng thích dùng mõm đào bới nền chuồng hết nơi này đến nơi khác. Vì vậy, nếu nuôi nhốt ta phải đổ bê tông dày giúp nền chuồng đủ độ bền chắc. Chúng thích vận động gần như suốt ngày chứ không thích lối sống thụ động “hết ăn lại nằm” như heo nhà.
- Heo rừng lai cũng thích sống theo bầy đàn, vì vậy nuôi tập thể rất tốt. Có điều ta nên chọn ra những con cùng lứa để nuôi chung mới có lợi. Như nuôi chung heo nái tơ một chuồng, heo mới lẻ bầy nuôi riêng một chuồng… Nuôi tập thể heo cùng lứa với nhau chúng sẽ lớn đều vì con này khó tranh ăn hết phần của con kia, và cũng không ngại chúng hiếp đáp nhau.
- Cách ăn uống của heo rừng lai cũng giống như heo rừng thuần chủng: rau cỏ tươi được coi là thức ăn chính (chiếm 90%), phần còn lại là thức ăn tinh. Ta dễ dàng tập cho chúng đi vào nề nếp, ăn uống theo bữa với thức ăn do chủ nuôi cung cấp.
- Heo rừng lai cũng có sức sinh sản khỏe như heo rừng thuần chủng. Chúng tự sinh con, tự mẹ cắn rún cho con và biết cách nuôi con chu đáo.
- Cuối cùng là phẩm chất thịt của heo lai cũng giống với thịt heo rừng thuần chủng nên được thị trường ưa chuộng.