Mục lục
Trong khoản năm sáu mươi năm trở lại đây, hễ bàn đến chuyện nuôi heo thì mười người như một đều thích nuôi các giống heo lớn con như heo Bồ tượng Yorkshire, Berkshire, Danois, Landrace… Vì những giống heo này chỉ cần bỏ công sức ra nuôi chừng 6 tháng đã cân nặng cả 100kg đem bán rồi.
Với các giống heo nội địa vốn nhỏ con, nuôi đến giáp năm mà cũng chỉ cân được có năm bảy chục ký, có khi còn phải lỗ vốn, lỗ công nên chẳng ai thích nuôi. Loại heo cỏ này, khi nuôi ông bà mình thì ví von là “tiền bỏ ống”, là cách giữ đồng vốn mà thôi.
Thế nhưng, nếu nuôi heo rừng lai thì lại khác. Mặc dù heo rừng lai cũng thuộc giống heo nhỏ con, vì nó cũng giống heo nội địa lai với heo rừng thuần chủng mà ra, có trọng lượng trung bình 35kg ở heo cái và chừng 50kg ở heo đực. Thế nhưng, khi nuôi sẽ hứa hẹn được lời to nên ai cũng ham.
Nếu bàn kỹ, tính toán kỹ về việc nuôi heo rừng lai, ta mới thấy đây là nghề dễ làm giàu hơn cách nuôi heo thường, còn gọi là heo nhà (Sus Domestica) mà ta thường nuôi.
Xin đơn cử một số điều thuận lợi như sau khi nuôi heo rừng lai:
Thị trường rộng lớn
Thịt heo rừng lai màu trắng, tỷ lệ mở rất thấp, da mỏng và chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường đặc biệt ưu chuộng. Hiện nay, các nhà hàng, tiệm ăn của các thành phố lớn trong cả nước đang có nhu cầu tiêu thụ một số lượng lớn thịt đặc sản này do nhu cầu ẩm thực của khách hàng càng ngày càng đông. Vì vậy, trước mắt thịt heo rừng lai chưa đủ số lượng để đem bày bán ở các chợ.
Theo thời giá, giá heo hơi khoảng 60.000đ/kg, còn giá heo rừng khoảng 150.000đ/kg mà vẫn hút hàng.
Cũng như heo nhà, heo rừng lai cũng đẻ mỗi năm đến hai lứa, mỗi lứa từ năm sáu con đến cả chục heo con. Giá heo con làm giống, được bán ra cao đến mức 190.000đ (heo con lẻ bầy thường cân nặng đến 5kg, bán được 190.000đ x 5kg = 950.000đ). Như vậy, chỉ làm một bài toán nhẩm: Heo mẹ đẻ mỗi năm hai lứa, mỗi lứa chỉ tính 6 con thôi, tính mỗi con 5kg, chủ nuôi đã thu được số tiền bán con giống hằng năm đến gần 12 triệu đồng!
Còn nếu nuôi thịt, giáp năm giống heo rừng lai chỉ cân nặng từ 50-70kg, nhưng nhờ giá thịt khá cao nên nuôi chúng vẫn đạt mức lời gấp đôi, gấp ba đối với các giống heo nhà mà chúng ta thường nuôi.
Dễ nuôi như heo nhà
Khi bàn đến việc nuôi heo rừng lai, chắc sẽ có không ít người nghĩ rằng giống này khó nuôi vì chúng còn “chất rừng hoang dã”, chỉ thích chạy rông lục lọi đào bới kiếm ăn đây đó trong rừng, trong nương rẫy, chứ không dễ gì chịu nuôi “cầm tù” một chỗ như cách nuôi heo nhà. Và, nhiều người còn lo sợ chúng dám tấn công lại người nuôi, gây ra thương tật thì… đại họa!
Đúng ra chỉ có heo rừng thuần chủng thì mới còn “chất rừng hoang dã” trong thời gian mấy tháng đầu mới bắt về thuần dưỡng mà thôi. Bằng chứng là những con heo đực rừng nuôi làm giống lâu ngày chúng cũng mau thuần tính, dạn dĩ, dễ dạy và cũng biết thân thiện với chủ nuôi.
Còn với heo rừng lai, nhất là heo thuộc thế hệ F2, F3 thì tuy vóc dáng bên ngoài vẫn giống heo rừng, nhưng tính nết rất thuần, giống hệt như heo nhà nên rất dễ nuôi.
Với heo rừng lai, ta có thể nuôi nhốt trong chuồng như cách nuôi heo nhà. Mỗi ngăn chuồng nuôi một nái chửa, hay một ngăn chuồng (rộng hơn) nuôi tập thể năm bảy con cái tơ. Cách cho ăn, chăm sóc chúng cũng không khác gì với cách nuôi heo nhà.
Trong trường hợp sẵn đất đai rộng rãi, nhất là biệt lập với khu vực đông dân cư sinh sống (để chúng không phá hoại hoa màu của người ta), ta có thể nuôi thả rông như cách nuôi heo của đồng bào thiểu số. Hoặc tốt nhất là nuôi trong vòng rào vây kín rộng hàng trăm hàng ngàn m2 như cách cho heo sống hoang dã trong rừng cũng được.
Tất nhiên, từng cách nuôi như vậy phải có cách làm chuồng trại thích hợp riêng. Chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này thật kỹ ở phần sau.
Thức ăn dễ kiếm lại rẻ
Nuôi heo rừng lai khâu chạy thức ăn không tốn kém bằng nuôi heo nhà, vì cách ăn uống của heo rừng lai rất kham khổ.
Trong khẩu phần ăn của heo rừng lai, đa số là thức ăn có nguồn gốc thực vật mà trong đó rau cỏ tươi và các loại củ quả chiếm đến 90%. Heo rừng lai ăn được nhiều loại cỏ hỗn hợp. Thức ăn tinh chỉ chiếm khoảng 10% trong khẩu phần ăn mà thôi.
Trong khi đó khẩu phần ăn của heo nhà như ta đã biết, phần rau tươi như rau lang, rau muống cũng cần thiết, nhưng chỉ chiếm khoảng 1/3 khẩu phần ăn hằng ngày mà thôi. 2/3 còn lại là thức ăn hỗn hợp khô gồm đầy đủ các chất bột đường, chất đạm, chất xơ, chất khoáng và cả vitamin nên khá tốn kém.
Một con heo rừng lai trưởng thành, mỗi ngày chỉ ăn khoảng vài ba kí rau cỏ, củ quả, và chừng vài trăm gram thức ăn tinh (quậy vào máng nước pha chút muối cho heo uống) là đủ.
Như vậy, có thể nói nuôi heo rừng lai khâu chạy thức ăn vừa dễ kiếm lại vừa rẻ tiền, gần như địa phương nào cũng có sẵn.
Ít tốn công chăm sóc
Nuôi heo rừng lai công chăm sóc không nhiều. Ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tránh úng ngập, hằng ngày nên cho heo ăn đúng bữa, cho ăn no nê với thức ăn tươi, sạch sẽ và bổ dưỡng. Mặt khác, nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của từng con heo nuôi, để nếu phát hiện con nào bị bệnh thì tìm cách chữa trị kịp thời.
Nếu nuôi heo nái, nên theo dõi sát sao đến hiện tượng động dục của chúng, để cho phối đúng kỳ hạn, và ghi ngày phối giống để tiện theo dõi sự sinh sản tốt xấu ra sao của từng con nái một.
Ít tốn thuốc men
Heo rừng lai có sức đề kháng cao nên ít bệnh. Thông thường, giống này cũng có bị chung những bệnh như heo nhà, nhưng do có sức đề kháng tốt nên nhiều bệnh được lướt qua. Chỉ có một số bệnh heo rừng lai thường gặp như tiêu chảy (do nhiều nguyên nhân gây ra), bệnh ký sinh trùng ngoài da… Khi phát hiện heo bệnh nên cách ly và chữa trị kịp thời, đừng ngại tốn kém vì thuốc thú y thường rẻ chứ không cao giá như thuốc dành riêng cho người.